Việt Nam tăng cường thực thi pháp luật nhằm chống lại nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã

Speeches Shim

Tuesday, 21 Tháng năm, 2019
Học viên tham dự đang trao đổi ý kiến tại một hội thảo do Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tổ chức tháng 9/2017.
Dự án USAID GIG

Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam là mối đe dọa lớn đối với các loài nguy cấp trên toàn cầu. Trong thập kỷ vừa qua, số lượng các vụ buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp các sản phẩm từ động vật hoang dã gia tăng nhanh chóng, chủ yếu là sừng tê giác và ngà voi châu Phi. Nhằm đối phó với tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã đưa công tác thực thi pháp luật trở thành ưu tiên cấp bách hàng đầu. Mặc dù Việt Nam đã củng cố và tăng cường các luật và quy định về môi trường nhưng sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật đã gây ảnh hưởng tới hiệu quả của hoạt động truy tố và xét xử tội phạm.

“Các quy trình xử lý tội phạm về động vật hoang dã, bao gồm định giá các sản phẩm động vật hoang dã và các quy định trong xử lý bằng chứng phạm tội không nhất quán giữa các tỉnh,” bà Phạm Thu Trang, Phó Trưởng khoa Luật pháp quốc tế tại Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho biết.

Sự thiếu phối hợp này gây ra tình trạng không nhất quán trong những nỗ lực thực thi pháp luật, gây cản trở đến việc xây dựng chiến lược dài hạn trên toàn quốc.Thêm vào đó là sự thiếu nhận thức nói chung của đại bộ phận người dân.

“Các kiểm sát viên và cán bộ nhà nước thiếu kiến thức về nạn săn bắt trộm và buôn bán bất hợp pháp một số loài động vật,” bà Hoàng Thị Ngọc Diệp, một kiểm sát viên cho biết.

Trong năm 2015, Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của USAID (dự án GIG) đã bắt đầu hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp với mục tiêu cải thiện khung pháp lý và quy định, tăng cường phối hợp trong ngành tư pháp và năng lực thực thi pháp luật.

Dự án GIG đã phối hợp với các đối tác thuộc chính phủ tổ chức tập huấn cho hơn 700 kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng như 130 cán bộ thi hành luật pháp và hơn 100 thẩm phán.

Tiếp theo sau các hoạt động tập huấn, sổ tay tập huấn truy tố tội phạm về động vật hoang dã đã được biên soạn và sử dụng bởi Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát. Cuốn sổ tay này giúp chuẩn hóa quy trình bao gồm: các bước thực hiện trong công tác xử lý bằng chứng và tiến hành điều tra. Các học viên sau tập huấn có thể truyền đạt lại kiến thức và kỹ năng mới cho các đồng nghiệp trong ngành, vì vậy chúng tôi rất mong đợi tác động rộng lớn hơn nữa từ dự án của USAID.

Bà Diệp chia sẻ “Một đồng nghiệp đã đề nghị tôi giúp đỡ khi thực hiện xử lý bằng chứng trong một vụ buôn bán động vật hoang dã và cho lời khuyên về các bước thực hiện liên quan theo quy trình. Vụ việc này đã truy tố thành công.”

Trong hai năm qua, hơn 600 kiểm sát viên và thẩm phán đã được dự án GIG của USAID tập huấn về các nội dung liên quan đến buôn bán động vật hoang dã, trong đó bao gồm các lớp tập huấn về sử dụng cuốn sổ tay này.

Hỗ trợ của dự án GIG đối với ngành tư pháp đang thực sự góp phần vào những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Đây là những nỗ lực rất cần thiết nhằm đảm bảo phát triển bền vững và vì lợi ích của người dân Việt Nam.

Đây là hoạt động được hỗ trợ bởi Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện (dự án GIG) của USAID thực hiện trong 5 năm với kinh phí 42 triệu đô la và đã hoàn thành trong tháng 12/2018. Dự án GIG phối hợp với Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ các lĩnh vực thương mại, cải cách khung pháp lý và quy định, quản trị công, và tăng trưởng kinh tế bao trùm.