USAID hỗ trợ huy động sự tham gia ủng hộ của các trưởng bản đối với các quỹ cộng đồng do phụ nữ quản lý nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế

Speeches Shim

Tuesday, 22 December, 2020
Ông Vì Văn Hạnh, Trưởng bản Lùn
Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) của USAID

Ông Vì Văn Hạnh - Trưởng bản Lùn, tỉnh Sơn La. Ngôi làng của ông cũng giống như các ngôi làng khác ở tỉnh Sơn La đều chịu chung tình trạng thiếu thốn cơ sở hạ tầng, ít cơ hội sinh kế và nghèo khó. Do người dân chuyển sang khai thác rừng để kiếm sống đã làm gia tăng áp lực và khiến các khu rừng rơi vào nguy cơ bị khai thác quá mức. Để giải quyết được thách thức kép vừa bảo tồn rừng vừa đem đến các cơ hội thu nhập, Chính phủ Việt Nam đã phát triển và thực hiện hệ thống Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Thông qua chính sách này, các doanh nghiệp thủy điện và người sử dụng dịch vụ rừng ở hạ nguồn sẽ chi trả cho các cộng đồng ở thượng nguồn phí bảo vệ rừng và lưu vực sông để tránh mất rừng và thoái hóa rừng, đảm bảo cho các công ty có nguồn cung nước ổn định để sản xuất điện. Tại tỉnh Sơn La, tổng doanh thu DVMTR hàng năm đạt xấp xỉ 5 triệu đô la (tương đương 120 tỷ đồng) và sẽ được giải ngân để chi trả cho hơn 2.200 thôn bản để người dân bảo vệ rừng. Một trong những mục tiêu chính của các khoản chi trả này là phát triển sinh kế địa phương nhằm giảm áp lực lên rừng và mang lại nhiều cơ hội khác thông qua quá trình ra quyết định minh bạch và dựa vào cộng đồng. Các quỹ tiết kiệm cộng đồng là một phương thức mà hệ thống DVMTR có thể hỗ trợ để cải thiện kinh tế và giúp người dân tiếp cận các khoản vay để bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều trưởng bản, trong đó có ông Hạnh, đã từng không theo các mục tiêu này mà thay vào đó họ tự quyết định cách sử dụng quỹ.

Tháng 8/2019, dự án Rừng và Đồng bằng (VFD) do USAID tài trợ đã phối hợp với Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Sơn La - cơ quan cấp tỉnh quản lý việc thực hiện DVMTR - xây dựng Quy chế thôn bản để hướng dẫn người dân về cách sử dụng nguồn tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng. Quy chế này bao gồm các hướng dẫn về cách thành lập quỹ quay vòng vốn cộng đồng do phụ nữ quản lý để hỗ trợ sinh kế nông nghiệp thân thiện với bảo tồn. Việc giao cho phụ nữ tự quản lý các quỹ này giúp lấp đầy một trong những khoảng cách về giới đã tồn tại ở đa số các cộng đồng này. Mỗi một quỹ tiết kiệm do phụ nữ tự quản được thành lập với vai trò rõ ràng và được giao cho các thành viên nhằm giám sát hoạt động thu chi. Dự án VFD đã cung cấp hướng dẫn cơ bản về quản lý tài chính, hỗ trợ điều phối các cuộc họp và lưu trữ sổ sách để giúp các quỹ đi vào hoạt động. Dự án cũng tham gia vào các cuộc họp hàng tháng để theo dõi tiến độ và cung cấp hỗ trợ cần thiết. Trong những cuộc họp này, thành viên của các quỹ tiết kiệm do phụ nữ tự quản có thể xem xét các yêu cầu vay vốn từ thành viên cộng đồng, phê duyệt giải ngân khoản vay và chấp nhận thanh toán, tất cả đều được thực hiện minh bạch và cởi mở. Hầu hết các khoản vay đều được sử dụng cho mục đích sinh kế nông nghiệp như mua vật nuôi hoặc hạt giống. Một số gia đình sử dụng vốn vay để trả tiền học cho con hoặc khám chữa bệnh. Không giống như nhiều nhóm tiết kiệm khác chỉ dựa vào đóng góp của từng hộ gia đình hoặc nhận tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, hệ thống PFES khuyến khích các thôn bản xây dựng quỹ cộng đồng một cách sáng tạo và bền vững. Các thành viên cũng có thể đầu tư tiền của mình vào quỹ để có cổ phần và nhận lãi.

Mô hình quy chế thôn bản đã được chính quyền xã tại Sơn La phê duyệt rất nhanh, tuy nhiên nhiều trưởng bản vẫn chưa thấy thuyết phục về mô hình quỹ cộng đồng. Để giải quyết thách thức này và có được cam kết cũng như sự ủng hộ từ các trưởng bản, VFD và Quỹ BV&PTR Sơn La đã thực hiện các nỗ lực vận động và tăng cường năng lực. Các hoạt động này bao gồm họp hàng tháng dành cho các nhóm phụ nữ tự quản và các trưởng bản để chứng minh lợi ích của các nhóm tiết kiệm DVMTR, cho họ thấy tiền DVMTR có thể hỗ trợ sinh kế địa phương và giúp các bản giải quyết đói nghèo như thế nào. Các trưởng bản dần dần thấy được lợi ích và đồng ý trích tiền DVMTR cho các quỹ tiết kiệm phụ nữ tự quản để họ cho vay phát triển sinh kế. Ông Hạnh là một trong những trưởng bản đã thay đổi quan điểm sau khi tham gia các cuộc họp. Ông chia sẻ: “Ban đầu tôi còn lo về mô hình này do trước đây một số nhóm tiết kiệm được thành lập đã thực hiện không tốt, nhưng khi hiểu quy chế thôn bản này, tôi đã bị thuyết phục và tin tưởng chuyển phần tiền DVMTR đến nhóm tiết kiệm. Mong rằng nhóm sẽ hoạt động tốt để trở thành ngân hàng tại bản nhằm duy trì nguồn vốn phục vụ cho việc phát triển kinh tế của bà con trong bản.”

Các quỹ tiết kiệm đã giúp trao quyền cho phụ nữ trong cộng đồng với việc đem đến cho họ cơ hội quản lý nguồn tài chính. Một trong những phụ nữ này là bà Giang Thị Ca, hội trưởng hội phụ nữ của bản Nậm Nghiệp, tỉnh Sơn La. Bà Ca xúc động chia sẻ: “Đây là một hoạt động hết sức có ý nghĩa đối với phụ nữ ở bản của chúng tôi vì phụ nữ ở đây thường không được tôn trọng đúng mực. Hầu hết họ đều sống dựa vào chồng. Với việc được tiếp cận những khoản vay, chúng tôi sẽ có cơ hội tiết kiệm tiền và đầu tư như mua vật nuôi, điều này sẽ giúp chúng tôi cải thiện điều kiện sống và đóng góp cho phát triển kinh tế tại địa phương.”

 

Một buổi họp với các nhóm quỹ tiết kiệm phụ nữ tự quản. (Ảnh: Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) của USAID)

Đến tháng 3/2020, 6 ban quản lý bản, trong đó có bản Lùn của ông Hạnh, đã đồng ý trích tổng cộng 8.000 đô la (tương đương 183 triệu đồng) cho các nhóm phụ nữ tiết kiệm. Đây là bước đột phá lớn đối với Sơn La khi các bản đã cam kết chuyển tiền DVMTR cho nhóm tiết kiệm và các thành viên cộng đồng có thêm động lực để tham gia các nhóm tiết kiệm vì việc chi trả dịch vụ môi trường tạo ra một nền tảng vững chắc và cho phép tiếp cận các khoản vay sớm hơn. Dự án VFD đã cung cấp các hỗ trợ chính trong việc quản lý các quỹ, giúp tạo ra nhiều cơ hội hơn cho cải thiện sinh kế và thoát nghèo.