Speeches Shim
Thiện Nhân là cậu bé 8 tuổi mắc chứng tự kỷ và hiện đang sống tại thị trấn Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Căn bệnh tự kỷ khiến bé khó kiểm soát hành vi, thường xuyên cáu giận và hay cào cấu. Bố mẹ Nhân là anh Nguyên và chị Phương cũng gặp nhiều khó khăn khi tự mình chăm sóc, giúp đỡ con trong khi ở ngôi làng họ sinh sống lại không có bất kỳ hỗ trợ nào từ trường học hay các trung tâm can thiệp dành cho trẻ tự kỷ. Anh chị đã bỏ ra chi phí khá cao để cho con điều trị tại cơ sở can thiệp gần nhất, cách Huế 70km, nhưng bé Nhân vẫn tiếp tục có hành vi khó kiểm soát. Đôi lúc hành vi của bé có thể khiến cho hàng xóm nghe thấy và anh chị rất lo lắng họ có thể hiểu nhầm. Anh chị đã liên tục tìm kiếm sự giúp đỡ và các ý tưởng, và rồi thông qua một nhóm trên Facebook dành cho bố mẹ có con tự kỷ, anh Nguyên đã tìm thấy thông tin về dự án Tôi lớn mạnh do USAID tài trợ. Dự án cung cấp tập huấn và hướng dẫn cho cha mẹ có con bị khuyết tật phát triển và trí tuệ, trong đó có chứng tự kỷ. Rất háo hức và tràn trề hy vọng, anh Nguyên đã tham gia chương trình. Chuyên gia trị liệu của dự án đã tới thăm nhà anh chị tại Lăng Cô, nhưng mọi chuyện lại không suôn sẻ. Do e ngại về hành vi của con trai, anh chị do dự khi chia sẻ kinh nghiệm, còn Nhân thì mất kiểm soát và làm cho chuyên gia trị liệu bị thương và vỡ mắt kính. Mặc dù vậy, chuyên gia của dự án vẫn tìm được cách hướng dẫn anh chị thông qua một số kỹ thuật xoa dịu để anh chị áp dụng với con trai. Chuyến thăm đầu tiên này đã có tia hy vọng. Anh Nguyên bắt đầu tham gia các buổi tập huấn nhóm của dự án và nhanh chóng học được cách áp dụng thêm những kỹ thuật khác và lập kế hoạch can thiệp để giúp con trai mình. Hành vi của Nhân liên tục được cải thiện với ít những cơn giận dữ, cáu gắt và buồn bực hơn. Những thay đổi tích cực này đã khích lệ anh Nguyên tiếp tục tham gia nhiều hơn vào các buổi tập huấn và chấp nhận các chuyến đến thăm của chuyên gia dự án.
Xuyên suốt khóa tập huấn 9 tuần dành cho cha mẹ, anh Nguyên là một trong bốn ông bố đã tham gia tích cực và chưa bỏ một buổi học nào. Khi chị Phương bận việc, anh Nguyên đã tham gia tập huấn và sau đó sẽ chia sẻ mọi thứ đã học với vợ để họ có thể cùng nhau giúp con trai. Trong các chuyến thăm nhà, anh Nguyên luôn cẩn thận ghi chép và cố gắng áp dụng hướng dẫn vào thực tế. Anh chia sẻ: “Tôi thấy khóa học rất hữu ích và thực tế. Tập huấn viên giàu kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy của cô ấy rất dễ hiểu, vì vậy bố mẹ có thể dễ dàng áp dụng với con tại nhà. Điều đặc biệt về chương trình này chính là những chuyến đến thăm nhà khi các hướng dẫn viên trực tiếp hỗ trợ giúp bố mẹ lập các kế hoạch can thiệp cho con trong cuộc sống hàng ngày.”
Anh Nguyên đánh giá lợi ích đáng kể và ngoài mong đợi mà khóa tập huấn cho cha mẹ đem lại chính là việc khóa học đã giúp anh thoải mái và nhìn nhận vấn đề theo một cách khác. Bây giờ anh cảm thấy đỡ căng thẳng và áp lực hơn “Nhờ hỗ trợ tâm lý từ các cán bộ dự án và các phụ huynh khác, bây giờ chúng tôi cảm thấy dễ dàng hơn trước những ý kiến của người khác. Vợ chồng tôi biết cách để chấp nhận mọi thứ hơn và điều này giúp hành trình trợ giúp con trai tôi vui vẻ hơn và ít áp lực hơn”, anh chia sẻ.
Gia đình anh chị tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc nhiều hơn khi Nhân trở nên vui vẻ hơn. Bé cười nhiều hơn và đôi lúc còn thơm lên má mẹ. Khả năng ngôn ngữ của bé cũng được cải thiện và bé cũng hợp tác hơn với bố mẹ. Sau 6 tháng, anh Nguyên chia sẻ Nhân có thể tự thực hiện một số sinh hoạt cá nhân và còn giúp bố mẹ việc nhà. Nhân cũng bớt gây gổ với bạn ở trường và giáo viên của em rất vui mừng.
Các buổi tập huấn và đến thăm nhà đã giúp bố mẹ Nhân học và áp dụng những kỹ năng mới, thay đổi cách nhìn nhận và trở thành nhân tố tham gia tích cực vào quá trình tiến bộ của con trai. Mặc dù Nhân vẫn đôi lúc gặp khó khăn với việc kiên nhẫn và tự kiểm soát, nhưng những tiến bộ trong hành vi và tương tác với bố mẹ đã giúp bố mẹ em có thêm động lực để tiếp tục lạc quan và hy vọng khi đối mặt với những khó khăn mới. Anh chị rất cảm kích trước những hỗ trợ và hướng dẫn từ dự án Tôi lớn mạnh do USAID tài trợ.
Comment
Make a general inquiry or suggest an improvement.