Tờ thông tin: Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh

Speeches Shim

Nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) đo lường hiệu quả điều hành kinh tế và giúp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại 63 tỉnh thành trên cả nước. PCI đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh cho khối khu vực tư nhân bao gồm: chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp mới; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; và các thiết chế pháp lý. Chỉ số được xây dựng năm 2005 bởi nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước với sự hỗ trợ từ USAID.

TIẾNG NÓI TẬP THỂ CỦA DOANH NGHIỆP

Hàng năm, PCI tiếp cận khoảng 13.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước trên toàn quốc tham gia khảo sát PCI. Do vậy, đây là khảo sát doanh nghiệp lớn nhất thể hiện cho tiếng nói của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh địa phương và chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam. Phần khảo sát khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs) cũng nhận được phản hồi từ 2.000 doanh nghiệp nước ngoài, đại diện cho một số lượng đáng kể doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Các kết quả thu được từ khảo sát PCI thường niên cung cấp thông tin phục vụ quá trình xây dựng chính sách.

THAY ĐỔI TƯ DUY VỀ ĐIỀU HÀNH KINH TẾ

PCI là chỉ số đầu tiên đưa ra đánh giá của khối tư nhân về hiệu quả điều hành của chính phủ. Trong 15 năm qua, PCI đã thay đổi vị thế từ một chỉ số không được chính quyền địa phương ưa chuộng thành một công cụ chẩn đoán tin cậy và được lãnh đạo chính quyền địa phương sử dụng rộng rãi nhằm xác định vấn đề và thực hiện các chiến lược cải thiện công tác điều hành kinh tế để thúc đẩy một môi trường kinh doanh thân thiện hơn để phát triển khu vực tư nhân.

THÚC ĐẨY ĐỐI THOẠI CÔNG-TƯ

Dự án PCI thực hiện nhiều hội thảo chẩn đoán hàng năm tại các tỉnh thành trên cả nước, tạo nên một kênh đối thoại chính sách đáng tin cậy, nơi các lãnh đạo chính quyền địa phương trực tiếp lắng nghe nhận xét về hoạt động của mình và những đề xuất cải thiện từ khối tư nhân. Nhiều kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh đã được chính quyền địa phương ban hành sau các buổi đối thoại này.

TẠO MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP

Việc công bố chỉ số PCI hàng năm đã thúc đẩy số lượng cải cách chưa từng có ở cấp địa phương, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh tổng thể của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu. 15 năm qua đã chứng kiến xu hướng đi lên trong điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh: Tất cả 63 tỉnh thành có kế hoạch cải thiện PCI; 62 tỉnh thành đã có những cải thiện tích cực về thứ hạng của mình; trên 500 văn bản pháp lý về cải thiện PCI được ban hành. Năm 2014, Thủ tướng đã đưa chỉ số PCI là một mục tiêu nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh quốc gia trong Nghị quyết 19, theo đó yêu cầu các bộ ngành của Việt Nam liên tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kể từ năm 2019, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh đã đưa chỉ số PCI như là một mục tiêu trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Issuing Country 
Date 
21-12-2020 03:30