Tờ thông tin: Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường

Speeches Shim

Cùng với sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng chi trả cho cho các dịch vụ và hàng hóa chất lượng cao liên quan đến sức khỏe như bao cao su, bơm kim tiêm, dịch vụ xét nghiệm HIV, dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và điều trị kháng virus (ART). Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực phòng chống HIV bền vững hơn, cần thiết phải có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận bền vững các hàng hóa và dịch vụ liên quan đến HIV.

Mục tiêu của dự án là phát triển một thị trường thương mại vững mạnh cho hàng hóa và dịch vụ HIV, có khả năng đáp ứng nhu cầu của các nhóm có nguy cơ cao nhất, bao gồm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), nữ chuyển giới, người tiêm chích ma túy và phụ nữ mại dâm. Thông qua phân nhóm những người nguy cơ cao dựa trên nhu cầu và khả năng chi trả, Chính phủ Việt Nam có khả năng ưu tiên các nguồn lực hữu hạn cho những người dễ bị tổn thương nhất, đồng thời phát triển thị trường thương mại để cung cấp các lựa chọn cho những người có khả năng chi trả. Dự án hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan khác nhằm tăng cường tiếp cận đối với dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV nhằm đạt được mục tiêu quốc gia 90-90-95 vào năm 2020.

TĂNG CƯỜNG XÉT NGHIỆM HIV NHỜ ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO

Dự án đang giới thiệu dịch vụ xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và xét nghiệm không chuyên nhằm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ này. Sau khi được tập huấn, nhân viên xét nghiệm không chuyên sử dụng một xét nghiệm chẩn đoán HIV nhanh để sàng lọc các nhóm có nguy cơ cao, hỗ trợ họ chẩn đoán xác định và kết nối những trường hợp khẳng định nhiễm với dịch vụ điều trị. Ngoài ra, dịch vụ tự xét nghiệm giúp tăng thêm lựa chọn cho những người còn lưỡng lự làm xét nghiệm HIV. Kể từ tháng 12/2015, gần 144.000 người đã được xét nghiệm, gần 7.000 trường hợp chẩn đoán nhiễm HIV và 94,4% trong số họ đã tiến hành điều trị với liệu pháp ART. Những mô hình xét nghiệm mới này đã phát huy hiệu quả trong việc tiếp cận những nhóm đích mới và trẻ, vốn được coi là có nguy cơ rất cao.

ĐẨY MẠNH DỰ PHÒNG HIV

Bộ Y tế và Dự án cung cấp dịch vụ PrEP đường uống cho những nhóm có nguy cơ HIV cao thông qua các phòng khám tư nhân do các nhóm đích có nguy cơ cao điều hành. Từ tháng 3/2017 đến tháng 6/2019, hơn 3.000 người đã đăng ký tham gia sử dụng PrEP với tỷ lệ duy trì uống thuốc là 88,9%. Từ kết quả này, cùng với sự hỗ trợ của chương trình PEPFAR, Bộ Y tế đã cam kết sẽ nhân rộng PrEp trên toàn quốc với mục tiêu đưa dịch vụ PrEP đến 11 tỉnh thành vào năm 2020.

PHÁT TRIỂN CUNG ỨNG HÀNG HÓA HIV NỘI ĐỊA

Dự án thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ một thị trường hàng hóa HIV miễn phí và được trợ giá dựa vào nguồn tài trợ sang một thị trường cung ứng nội địa bền vững thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy các quan hệ đối tác. Hơn 82 triệu bao cao su và gần 9 triệu bơm kim tiêm loại đặc biệt đã được bán ra với giá thương mại thông qua một mạng lưới gồm 3 đơn vị phân phối thương mại, 5 doanh nghiệp xã hội và hơn 5.000 cửa hàng truyền thống và phi truyền thống, trong đó bao gồm cả các tổ chức xã hội dân sự do các nhóm đích có nguy cơ cao điều hành.

THÚC ĐẨY NHỮNG HÀNH VI SỨC KHỎE TÍCH CỰC

Dự án chia sẻ thông tin và hỗ trợ các diễn đàn trao đổi về HIV cho hơn 220.000 nam giới quan hệ đồng tính có nguy cơ cao thông qua trang Facebook Xóm Cầu Vồng và cho hơn 22.000 nữ chuyển giới thông qua trang Facebook Cô nàng gợi cảm (Be me. Be sexy). Ngoài ra, các hoạt động hợp tác với chương trình MTV Việt Nam và các ứng dụng phổ biến như Grinder và Hornet đã giúp tạo ra một diễn đàn thu hút hàng triệu lượt xem. Phần mềm trả lời tự động chatbot đã được phát triển cho các trang Facebook với tính năng cung cấp phản hồi tự động 24/7 cho các truy vấn và câu hỏi liên quan đến dịch vụ xét nghiệm HIV và PrEP phổ biến, giúp mở rộng hoạt động tiếp cận vượt qua khoảng cách thời gian và địa lý.

Issuing Country 
Date 
11-10-2019 04:45