Speeches Shim
Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý hoàn tất việc xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng và khu vực sân bay Biên Hòa do mức độ tồn dư dioxin cao trong bùn đất còn sót lại từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau khi hoàn thành đánh giá môi trường tại hai sân bay nhằm ước tính mức độ ô nhiễm dioxin, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam (BQP) cùng phối hợp thực hiện mục tiêu tẩy sạch dioxin và giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho cộng đồng xung quanh, đồng thời phát triển năng lực cho phía Việt Nam để có thể thực hiện các hoạt động đánh giá và xử lý ô nhiễm môi trường.
THÀNH CÔNG CỦA DỰ ÁN XỬ LÝ TẠI SÂN BAY ĐÀ NẴNG
Bắt đầu triển khai từ năm 2012, Dự án Xử lý Môi trường tại sân bay Đà Nẵng với kinh phí 110 triệu đô la đã áp dụng cả hai phương pháp xử lý là khử hấp thu nhiệt và lưu chứa. Công nghệ khử hấp thu nhiệt gồm 3 bước chính: xây dựng kết cấu mố kín, nổi trên mặt đất; đào đất, bùn nhiễm dioxin và đưa vào mố; và nung nóng bùn đất tới nhiệt độ cao (tối thiểu 335ºC) để tiêu hủy dioxin. Sau hai chu trình xử lý, các chuyên gia của USAID và BQP đã tiến hành xét nghiệm khoảng 90.000 m3 bùn, đất đã qua xử lý nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xử lý được Chính phủ Việt Nam chấp thuận. Sau đó, bùn đất đã qua xử lý được làm nguội, chuyển ra khỏi mố và được sử dụng làm đất san lấp phục vụ cho việc mở rộng sân bay Đà Nẵng. Ngoài quá trình xử lý khử hấp thu nhiệt, USAID và BQP cũng đã gần hoàn thành chôn lấp khoảng 50.000 mét khối bùn ô nhiễm dioxin ở nồng độ thấp. USAID, BQP và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã thống nhất rằng lưu chứa khối lượng bùn này là biện pháp phù hợp để ngăn chặn tác động lâu dài đến sức khỏe con người và môi trường. Tháng 6/2017, USAID và BQP đã xác nhận xử lý thành công bùn, đất nhiễm dioxin bằng công nghệ khử hấp thụ nhiệt. Sau khi hoàn thành việc di rời thiết bị và nhân công ra khỏi công trường dự án, ngày 7/11/2018, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và Thứ trưởng BQP Nguyễn Chí Vinh đã tuyên bố hoàn thành dự án và chính thức bàn giao phần đất cuối cùng rộng 75 mẫu Anh đã xử lý nhằm phục vụ hoạt động mở rộng sân bay.
DỰ ÁN XỬ LÝ DIOXIN TẠI SÂN BAY BIÊN HÒA
Năm 2016, USAID đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa – nơi lưu trữ và chiết nạp chất da cam chính trong chiến tranh Việt Nam. Bên cạnh việc xác định tính chất và mức độ ô nhiễm dioxin, báo cáo đánh giá cũng xây dựng và đánh giá các phương án xử lý khả thi, bao gồm cả hai phương án là lưu chứa và xử lý, nhằm giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm dioxin trong và xung quanh sân bay. Báo cáo đánh giá cũng xác định khối lượng bùn, đất nhiễm dioxin cần xử lý là khoảng 500,000 m3 – gấp gần bốn lần so với khối lượng của dự án tại Đà Nẵng. USAID đã ký thỏa thuận với BQP vào đầu năm 2018 với kinh phí hỗ trợ là 183 triệu đô la cho giai đoạn 1 kéo dài 5 năm để thực hiện Dự án Xử lý Dioxin ở khu vực Sân bay Biên Hòa nhằm mục tiêu xử lý ô nhiễm ở những khu vực có nguy cơ cao sử dụng phương pháp xử lý và cô lập tương tự như công nghệ đã sử dụng ở dự án sân bay Đà Nẵng. Theo ước tính của USAID, công tác xử lý tổng thể sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian là 10 năm.
Sau các nỗ lực chuẩn bị dự án của USAID và BQP, tháng 9/2019, USAID cùng các đối tác trong chính phủ Việt Nam đã khởi động quá trình lập kế hoạch tổng thể cho dự án. USAID dự kiến các hoạt động xử lý đầu tiên sẽ bắt đầu vào năm 2020.
Comment
Make a general inquiry or suggest an improvement.