Speeches Shim
Sau khi hoàn thành dự án Xử lý Môi trường Ô nhiễm Dioxin tại Sân bay Đà Nẵng năm 2018, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý hợp tác với Chính phủ Việt Nam về xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa - nơi lưu trữ và chiết nạp chất da cam chính trong chiến tranh Việt Nam và là điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam.
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG
Năm 2016, USAID phối hợp với Chính phủ Việt Nam hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Bên cạnh việc xác định tính chất và mức độ ô nhiễm dioxin, báo cáo đánh giá cũng xây dựng các phương án xử lý tiềm năng, bao gồm cả hai phương án là lưu chứa và xử lý, nhằm giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm dioxin trong và xung quanh sân bay. Báo cáo đánh giá cũng xác định khối lượng bùn, đất nhiễm dioxin cần xử lý là khoảng 500.000 m3 – gấp gần 4 lần so với khối lượng tại Đà Nẵng.
KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN
Năm 2018, USAID ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam về khoản đóng góp 183 triệu đô la cho giai đoạn I kéo dài 5 năm để thực hiện dự án Xử lý Dioxin khu vực Sân bay Biên Hòa. Sau khi có phê duyệt chính thức từ Chính phủ Việt Nam, USAID và Bộ Quốc phòng đã khởi động dự án ngày 20/4/2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn cấp cao gồm 9 Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy dẫn đầu cùng các quan chức cấp cao khác của cả hai chính phủ đã tham gia sự kiện nhằm nêu bật tầm quan trọng của dự án trong việc làm sâu sắc thêm Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tháng 9/2019, USAID cùng các cơ quan đối tác thuộc chính phủ Việt Nam khởi động quá trình lập kế hoạch tổng thể cho dự án. Theo ước tính trong bản kế hoạch cuối cùng hiện đang được lãnh đạo Chính phủ Việt Nam xem xét, các hoạt động đào xúc và xử lý sẽ cần được thực hiện trong khoảng 10 năm với kinh phí lên tới 450 triệu đô la. Phần đóng góp của USAID cho dự án sẽ tập trung vào các hoạt động nằm trong kế hoạch cho giai đoạn I kéo dài 5 năm. Với khoản ngân sách bổ sung 20 triệu đô la được phân bổ vào tháng 11/2020, nguồn ngân sách của USAID tính tới thời điểm hiện tại sẽ là 113.650.000 đô la trong tổng mức đóng góp ước tính của USAID là 183 triệu đô la.
CÁC HOẠT ĐỘNG THỰC ĐỊA ĐẦU TIÊN
rong năm 2020, USAID và BQP đã hợp tác thu thập và phân tích dữ liệu thực địa bổ sung về địa hình, dữ liệu nền về điều kiện môi trường và mức độ ô nhiễm của đất để thiết kế chi tiết hoạt động đào xúc và xử lý. Nhờ phân tích này, USAID đã lên kế hoạch bắt đầu thực hiện hoạt động đào xúc ban đầu vào tháng 12/2020 và tiếp tục trong 6 tháng mùa khô tiếp sau đó. Hoạt động đào xúc đầu tiên sẽ tập trung vào các khu vực có mức độ ô nhiễm gây rủi ro cao về sức khỏe và môi trường do vị trí gần sân bay và cộng đồng dân cư. Đồng thời, USAID sẽ hoàn tất việc xây dựng khu lưu chứa dài hạn cho đất đào xúc có nồng độ ô nhiễm dioxin thấp và khu lưu chứa ngắn hạn đối với đất ô nhiễm nồng độ cao sẽ được xử lý trong các năm tiếp theo.
Comment
Make a general inquiry or suggest an improvement.