Speeches Shim
Tháng 12/2016 -- Ngành dệt may Việt Nam mới nhận được một số tin mừng sẽ giúp nhiều công ty tiết kiệm hàng nghìn đô la chi phí cũng như tránh việc chậm trễ trong việc giao nhận hàng khi quy định về kiểm tra được bãi bỏ.
Thông tư 37, một quy định của Bộ Công thương Việt Nam (BCT), bắt buộc việc xét nghiệm và kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm đối với các sản phẩm dệt may nhập khẩu. Quy định này khiến một doanh nghiệp cỡ trung bình tốn kém 45.000 đô la một năm cho chi phí xét nghiệm và thủ tục hải quan sẽ chậm trễ từ ba đến bảy ngày cho mỗi lô hàng. Tổng cộng, với khoảng 6.000 công ty dệt may ở Việt Nam, ngành dệt may chi trả khoảng 135 triệu đô la mỗi năm cho quy trình kiểm tra chuyên ngành này.
Yêu cầu kiểm tra chuyên ngành này được thi hành từ tháng 12/2009 theo Thông tư 32 và được tiếp tục thực hiện theo Thông tư 37 ban hành vào tháng 12/2015.
Xem xét hoạt động kiểm tra trong hơn bảy năm qua cho thấy tỷ lệ hàng dệt may nhập khẩu không đáp ứng mức giới hạn formaldehyde là rất nhỏ (khoảng 0,0125%), tuy nhiên yêu cầu kiểm tra vẫn được đặt ra cho từng công ty nhập khẩu. Các sản phẩm khác bị ảnh hưởng bởi yêu cầu kiểm tra bao gồm da, giày dép, túi xách, nội thất ô tô, thảm, vật liệu trải sàn và may mặc.
Trong hai năm, USAID hợp tác với Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan Việt Nam thuộc Bộ Tài chính, các bộ khác và khu vực tư nhân giúp các doanh nghiệp vận động bãi bỏ yêu cầu kiểm tra này. Với hỗ trợ của USAID giúp tập trung giải quyết những trở ngại trong môi trường kinh doanh, thương mại và khả năng cạnh tranh của Việt Nam, CIEM thực hiện hàng loạt khảo sát thực địa, hội thảo tham vấn và truyền thông mạnh mẽ qua phương tiện truyền thông để thu hút ý kiến của công chúng.
Nhờ đó, theo đề nghị của các bộ và áp lực từ công chúng, Bộ Công thương đã bãi bỏ Thông tư 37 để loại bỏ các yêu cầu kiểm tra. Quyết định này được công bố ngày 12/10/2016 nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam.
“Quyết định của Bộ Công thương bãi bỏ Thông tư 37 là một món quà cho các doanh nghiệp Việt Nam” bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết.
Bà Phạm Kiều Oanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè (NBC), nói bà “mừng rơi nước mắt” khi nghe tin Thông tư 37 được bãi bỏ. “Từ giờ trở đi, May Nhà Bè sẽ không phải tiêu tốn 4.500 đô la mỗi tháng cho thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde nữa.”
USAID tiếp tục hợp tác với CIEM, các cơ quan chính phủ khác và khu vực doanh nghiệp để xác định những thủ tục kiểm tra chuyên ngành phiền toái và không cần thiết khác tại Việt Nam. Những cải thiện như vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho môi trường kinh doanh của Việt Nam, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại qua biên giới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện.
Hoạt động này là một phần trong Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của USAID, được thực hiện bởi tổ chức Chemonics International từ tháng 12/2013 đến tháng 12/2018. Dự án hợp tác với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các cải cách thương mại, pháp luật và thể chế, đẩy mạnh quản trị nhà nước và tăng trưởng kinh tế bao trùm.
LINKS
Follow @USAIDVietnam, on Facebook, on Flickr, on YouTube
Comment
Make a general inquiry or suggest an improvement.