Việt Nam nới lỏng các quy định về hải quan để thúc đẩy thương mại

Speeches Shim

Chị Nguyễn Ánh Tuyết chia sẻ quan điểm của mình tại một hội thảo tham vấn.
Chị Nguyễn Ánh Tuyết chia sẻ quan điểm của mình tại một hội thảo tham vấn.
USAID/GIG
Chính phủ tham vấn doanh nghiệp để cắt giảm tình trạng quan liêu.
“Không chỉ công ty tôi mà hàng nghìn công ty khác đã được hưởng lợi từ việc ngành hải quan tăng cường minh bạch.”

Tháng 5/2017 – Là lãnh đạo phòng hải quan và hậu cần tại công ty sản xuất ô tô Ford Việt Nam có thể là một công việc đòi hỏi cao. Cùng với những áp lực thường có với một vị trí thách thức như vậy, chị Nguyễn Ánh Tuyết còn phải đối mặt với tình trạng các thủ tục hải quan không nhất quán và quá nhiều quan liêu.

 “Chúng tôi phải thực hiện kê khai hải quan ở 11 cảng khác nhau, điều này dẫn đến nhiều sai sót về địa chỉ và thanh toán cũng như bị trì hoãn kéo dài,” chị Tuyết nêu một ví dụ điển hình khi chia sẻ ý kiến của mình.

Các vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến Ford Việt Nam mà còn làm tăng chi phí cho hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước. Vấn đề này đã được chỉ ra trong báo cáo Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh năm 2006 của Ngân hàng Thế giới. Báo cáo này xếp Việt Nam đứng thứ 180 trong số 190 quốc gia về chỉ tiêu “thương mại qua biên giới.”

Do vậy, trong năm vừa qua, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã quyết tâm giảm tình trạng quan liêu và đơn giản hoá các thủ tục, trong đó có hợp tác với USAID để tăng cường tham vấn giữ chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để sửa đổi các quy định bất cập. Các cuộc tham vấn như vậy cho phép các doanh nghiệp chia sẻ các ý kiến và đề xuất của mình.

Theo ông Âu Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Kiểm soát và Giám sát Hải quan, các cuộc tham vấn đã bắt đầu đem lại kết quả: “Với hỗ trợ của USAID, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đơn giản hoá các thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan.”

Chị Tuyết cũng có ý kiến tương tự: “Không chỉ công ty tôi mà hàng nghìn công ty khác đã được hưởng lợi từ việc ngành hải quan tăng cường minh bạch.”

“Môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 đã có bước cải thiện lớn nhất kể từ năm 2007 nhờ nỗ lực không mệt mỏi của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ còn tiếp tục tiến xa hơn nữa,” ông Tuấn cho biết thêm.

Những cải thiện này đã được khẳng định trong báo cáo Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh mới nhất của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam tăng 15 bậc, từ 108 năm 2016 lên 93 năm 2017. Việt Nam giờ đứng vị trí thứ tư trong số các nước ASEAN đối với chỉ số “thương mại qua biên giới” sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Trong bối cảnh Thoả thuận Thuận lợi hoá Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới có hiệu lực từ tháng 2/2017, các cuộc tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Khi mà Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và giảm những rào cản về thương mại và đầu tư thì việc chính phủ gắn kết với khu vực tư nhân có ý nghĩa sống còn.

Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của USAID (GIG) phối hợp với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ cải cách thương mại, pháp luật và quy định, quản trị nhà nước và tăng trưởng kinh tế. Dự án này do tổ chức Chemonics International thực hiện từ năm 2013 đến năm 2018.

LINKS

Follow @USAIDVietnam, on Facebook, on Flickr, on YouTube